Thuyết trình đồ dùng dạy học

 A. Giới thiệu đồ dùng dạy học.

         

          - Kính thưa Ban giám khảo!

          - Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến !

 

          Như chúng ta đã biết, Việt Nam - Tổ quốc của nhiều dân tộc, các dân tộc đều là con cháu của Lạc Long Quân- Âu Cơ, nở ra từ trăm trứng, nửa theo mẹ lên núi, nửa theo cha xuống biển, cùng mở mang xây dựng non sông , với rừng núi trùng điệp, đồng bằng sải cánh cò bay và biển Đông bốn mùa sóng vỗ; bờ cõi liền một dải từ chỏm Lũng Cú đến xóm Rạch Tàu , từ đỉnh Trường Sơn  đến quần đảo Trường  Sa . Cùng chung sống lâu đời trên một đất nước, các dân tộc có truyền thống yêu nước, đoàn kết giúp đỡ nhau trong chinh phục thiên nhiên và đấu tranh xã hội, suốt quá trình lịch sử dựng nước, giữ nước và  xây dựng phát triển đất nước. Mỗi dân tộc mang một bản sắc văn hóa đặc trưng, càng tìm hiểu, càng nghiên cứu, chúng ta càng cảm thấy say mê, hứng thú, càng thích tìm tòi, khám phá về 54 dân tộc Việt Nam.

          Nhưng ít ai có thể kể được hết tất cả tên các dân tộc, số dân, nơi cư trú của họ. Ngày nay, trên con đường phát triển công nghệ thông tin và ứng dụng công nghệ thông tin vào cuộc sống cũng như vào hoạt động giáo dục, chúng tôi xin góp một phần nhỏ bé của mình trong việc hỗ trợ quý vị, những người thích tìm hiểu về 54 dân tộc Việt Nam,tìm hiểu về nguồn cội của mình,về dân tộc mình thành phần tên gọi, sự phân bố dân cư, trang phục của từng dân tộc....cũng như hỗ trợ công nghệ thông tin vào hoạt động dạy học nhằm nâng cao chất lượng hiệu quả các tiết học có nội dung liên quan đến 54 dân tộc Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu tới quý vị  Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam.Ngoài mục đích chính là hỗ trợ hoạt động dạy học của giáo viên và học sinh trên lớp, đây còn là một phần mềm giúp quý vị tra cứu nhanh nhất và có hệ thống về 54 dân tộc Việt Nam.

          Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam được thực hiện dưới dạng phần mềm được nén trong đĩa CD gồm 5 nội dung:

          Phần 1: Giới thiệu chương trình và hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam chạy trên phần mềm elearning.

          Phần 2: Chương trình hỗ trợ dạy học Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam  thực hiện trên phần mềm powerpoint.

          Phần 3: Hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam chạy trên phần mềm powerpoint.

          Phần 4: Một số thông tin hỗ trợ giúp GV và HS tìm hiểu, mở rộng kiến thức về bản sắc văn hóa dân tộc của 54 dân tộc Việt Nam được thực hiện trên Microsoft Word Document.

          Phần 5: Thuyết trình: Giới thiệu nội dung đồ dùng dạy học,  Hướng dẫn cách sử dụng Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam và Kết luận cùng ý kiến kiến nghị được thực hiện trên Microsoft Word Document.

 


 

B. Hướng dẫn sử dụng Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam
 

          Kính thưa quý thầy cô giáo cùng các em học sinh thân mến !

          Tổng hợp kiến thức cơ bản chương trình dạy học cấp Tiểu học, chúng tôi nhận thấy có một số bài học có nội dung khai thác các thông tin về 54 dân tộc Việt Nam giúp HS có vốn hiểu biết về tên gọi của các dân tộc, địa bàn cư trú , trang phục, nét văn hóa đặc trưng,...của các dân tộc. Cụ thể:

          * Lớp 3: - Môn Tiếng Việt, Tuần 15, tiết Luyện từ và câu, bài " Mở rộng vốn từ: Các dân tộc" ( Bài tập 1: Kể tên một số dân tộc thiểu số ở nước ta mà em biết.)

 

          * Lớp 4: - Phân môn Địa lí:

                   + Bài 2: Một số dân tộc ở Hoàng Liên Sơn.

                   + Bài 6: Một số dân tộc ở Tây Nguyên.

                   + Bài 12: Người dân ở đồng bằng Bắc Bộ.

                   + Bài 18: Người dân ở đồng bằng Nam Bộ.

                   + Bài 25: Người dân và hoạt động sản xuất ở đồng bằng duyên hải miền Trung.

          * Lớp 5: - Môn Tiếng Việt, Tuần 15 , tiết Luyện từ và câu , bài " Tổng kết vốn từ " ( Bài tập 1: Liệt kê các từ ngữ, câu d) Chỉ các dân tộc anh em trên đất nước ta.)

                    - Phân môn Địa lí, Bài 9: Các dân tộc, sự phân bố dân cư.

          Trong thực tế dạy học, với sự hạn chế về vốn hiểu biết của mình, cả GV và HS hầu như chỉ nêu được một số ít tên của các dân tộc tiêu biểu theo vùng miền cũng như đặc điểm trang phục, địa bàn cư trú của từng dân tộc....trên đất nước ta. Để khắc phục những hạn chế đó, chúng tôi xin trân trọng giới thiệu và hướng dẫn quý vị cách sử dụng Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam trong hoạt động dạy học như sau. Ví dụ:

          * Lớp 3: - Môn Tiếng Việt, Tuần 15, tiết Luyện từ và câu, bài " Mở rộng vốn từ: Các dân tộc". ( Bài tập 1: Kể tên một số dân tộc thiểu số ở nước ta mà em biết.)

          - GV thực hiện các hoạt động dạy học: Cho HS nêu yêu cầu của bài-> GV nhắc HS chú ý: các em chỉ kể tên dân tộc thiểu số, dân tộc Kinh có số dân rất đông, không phải dân tộc thiểu số -> GV phát bảng phiếu bài tập, hướng dẫn các nhóm HS trao đổi, viết nhanh tên các dân tộc thiểu số -> Đại diện các nhóm trình bày kết quả -> HS cùng GV nhận xét, bình luận, tuyên dương nhóm có hiểu biết rộng ( viết được đúng, nhiều tên DTTS).

          - Sử dụng Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam: Tiếp theo hoạt động dạy học, GV giới thiệu cho HS Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam, chỉ trên Lược đồ nơi cư trú của các dân tộc đó. Ví dụ : để giới thiệu các dân tộc thiểu số ở miền Trung, cụ thể ở Tây Nguyên, GV chỉ trên Lược đồ khu vực Tây Nguyên gồm tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông rồi lần lượt bấm vào số " 49. Kon Tum" , cho HS thấy hình ảnh một số dân tộc cư trú ở Kon Tum, trong hình ảnh dân tộc cuối cùng ở Kon Tum có hình mũi tên quay lại, GV bấm vào đó sẽ quay lại Lược đồ, GV tiếp tục bấm vào số "50. Gia Lai" cho HS thấy hình ảnh  một số dân tộc cư trú ở Gia Lai, sau đó GV thực hiện tương tự với các tỉnh Đắk Lắk và Đắk Nông để chốt tên các dân tộc cư trú khu vực Tây Nguyên. Tiếp theo, GV thực hiện lần lượt như trên đối với các tỉnh thành khác trong nước để giới thiệu được toàn bộ tên và địa bàn cư trú của 54 dân tộc trên đất nước Việt Nam theo khu vực Bắc-Trung-Nam và Tây Nguyên.

          * Lớp 5: Phân môn Địa lí, Bài 9: Các dân tộc, sự phân bố dân cư. ( Hoạt động1: 54 dân tộc anh em sống trên đất nước Việt Nam.)

          - GV thực hiện các hoạt động dạy học: GV yêu cầu HS đọc thông tin trong SGK, nhớ lại kiến thức đã học ở Địa lí lớp 4 và trả lời các câu hỏi: ( H: Nước ta có bao nhiêu dân tộc?      H: Dân tộc nào có số dân đông nhất? Sống chủ yếu ở đâu? Các dân tộc ít người sống ở đâu? H: Kể tên một số dân tộc ít người và địa bàn sinh sống của họ?) .

          - Sử dụng Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam: Sau khi HS trả lời các câu hỏi, GV giới thiệu Hình ảnh 54 dân tộc Việt Nam cho HS xem hình ảnh và thông tin dân số, địa bàn cư trú của từng dân tộc -> Tổ chức HS chơi trò chơi " Thi giới thiệu về các dân tộc anh em trên đất nước Việt Nam" : GV giới thiệu tên trò chơi, luật chơi " Mỗi tổ cử 1 HS tham gia trò chơi, mỗi HS được nhận một số thẻ từ ghi tên các dân tộc Kinh, Chăm và một số dân tộc ít người khác trên khắp đất nước, lần lượt từng HS tham gia trò chơi vừa giới thiệu về các dân tộc ( tên, địa bàn sinh sống ) vừa gắn thẻ từ ghi tên dân tộc đó vào vị trí thích hợp trên bản đồ Việt Nam. HS nào giới thiệu hay, gắn tên dân tộc vào đúng vị trí thích hợp nhiều nhất sẽ là người thắng cuộc." -> Sau khi HS tham gia trò chơi trình bày xong phần thi của mình, GV giới thiệu Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam  và hướng dẫn HS theo dõi trên lược đồ để kiểm tra kết quả gắn tên các dân tộc vào vị trí thích hợp trên lược đồ; Ví dụ: HS gắn tên dân tộc Chăm vào vị trí các tỉnh Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang.... GV kích chuột vào vị trí " 24. Cần Thơ " , hình ảnh các dân tộc sinh sống trên địa bàn tỉnh Cần Thơ sẽ lần lượt hiện ra, GV yêu cầu HS xem trên địa bàn tỉnh Cần Thơ có dân tộc Chăm cư trú không, nếu có thì kết quả gắn tên của HS đó được công nhận đúng, nếu không có thì kết quả gắn tên là sai, tiếp theo GV lần lượt thực hiện với các tỉnh còn lại nơi HS gắn tên dân tộc Chăm và các dân tộc khác để tìm ra được người thắng cuộc trong trò chơi.

Trong trường hợp GV đang sử dụng CNTT mà có sự cố mất điện, hư hỏng máy móc hoặc đối với một số trường không có đủ phương tiện máy móc để trình chiếu, chúng tôi giới thiệu Bộ tranh 54 dân tộc Việt Nam. Bộ tranh này, sẽ có đủ thông tin về số người, tên dân tộc, nơi cư trú, tên gọi khác của dân tộc đó. Bộ tranh này cũng được sử dụng dạy học các bài đã nêu ở trên.

Ví dụ:

*Bài 2: Một số dân tộc ở Hoàng Liên Sơn (Địa lí – Lớp 4):

Áp dụng vào việc dạy hoạt động 1 và 3 của bài.

- Hoạt động 1: Hoàng Liên Sơn – nơi cư trú của một số dân tộc ít người:

Sau khi cho HS đọc và tìm hiểu thông tin SGK / 73. GV giới thiệu các dân tộc sinh sống ở dãy Hoàng Liên Sơn (Các tỉnh Lào Cai, Lai Châu, Yên Bái): Hoàng Liên Sơn có dân cư thưa thớt.Ở đây có một số dân tộc ít người như Thái, Dao, Mông (H’mông),…

- Hoạt động 3: Chợ phiên, lễ hội, trang phục:

Sau khi cho HS đọc thông tin và xem hình ảnh trong SGK/74. GV giới thiệu hình ảnh người Thái, người Mông, người Dao:

+   Người Thái: Mặc áo trắng, có hàng cúc phía trước. Váy người Thái có màu đen, họ đội khăn có màu sặc sỡ.

+   Người Mông: đội khăn, đeo vòng bạc, chân quấn xà cạp, mặc váy có nhiều hoa văn sặc sỡ.

+   Người Dao: đội khăn có nhiều loại, họ cũng quấn xà cạp, mặc váy có nhiều hoa văn sặc sỡ.

Tuy nhiên, trang trí, kiểu áo của 3 dân tộc là khác nhau.

Và GV có thể giới thiệu thêm một số dân tộc thiểu số khác sinh sống ở đây như: Ngái, La Hủ, Sán Dìu, Kháng Cơ Lao, Pu Péo, La Chí, Nùng, Dao, La Ha, Xinh Mun, Lư, Lào, Khơ -  mú, Cống, Bố Y, Hà Nhì,Sán Chay, Lô Lô, Phù Lá, Si La, Mảng…

* Bài 6: Một số dân tộc ở Tây Nguyên (Địa lí – Lớp 4):

 Áp dụng vào việc dạy hoạt động 1 và 3 của bài.

- Hoạt động 1: Tây Nguyên – nơi có nhiều dân tộc chung sống: GV Giới thiệu về các đang tộc sinh sống ở các tỉnh Tây Nguyên (Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng). Những dân tộc sống lâu đời ở đây: Gia – rai,Ê-đê, Ba-na, Xơ-đăng, …ngoài ra còn một số dân tộc khác sống ở Tây Nguyên như: Chu ru, Mạ, Cơ-ho, M’nông, Rơ-măm, Brâu).

- Hoạt động 3: Trang phục, lễ hội:

Ở Tây Nguyên, nam thường đóng khố, nữ thường quấn váy. Trang phục ngày hội được trang trí hoa văn màu sắc,…, gái trai đều thích mang đồ trang sức bằng kim loại. GV dùng trang ảnh giới thiệu trang phục của các dân tộc ở Tây Nguyên.

          .....

C. Kết luận và ý kiến kiến nghị

 

          Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương tự học, tự rèn và sáng tạo, vì vậy mỗi thầy cô giáo đều có một phương pháp dạy học và hình thức tổ chức tiết học khác nhau nhưng mục đích cuối cùng của mỗi tiết học là HS đạt được mục tiêu của bài cũng như mở rộng được một số thông tin liên quan đến kiến thức vừa học. Vì vậy , với mong muốn được hỗ trợ quý thầy cô cùng các em HS trong việc khai thác nội dung kiến thức cũng như mở rộng, khắc sâu những kiến thức liên quan đến 54 dân tộc Việt Nam trong chương trình dạy học cấp tiểu học và những người thích tìm hiểu, khám phá những thông tin mình còn chưa biết về 54 dân tộc Việt Nam. Chúng tôi hân hạnh giới thiệu tới quý thầy cô cùng các em HS và những người thích khám phá Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam . Chúng tôi chân thành cảm ơn quý vị đã đến với Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam  và rất mong sự góp ý chân thành của quý vị để  Lược đồ 54 dân tộc Việt Nam  của chúng tôi ngày càng hoàn thiện hơn cũng như ngày càng được nhiều người tiếp nhận hơn.